Bí thư Thành ủy Đà Nẵng viếng mộ Thái Thị Bôi và thăm cán bộ lão thành cách mạng
Tặng!
Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố (28/3/1930-28/3/2020) và 45 năm ngày giải phóng thành phố (29/3/1975-29/3/2020) sáng ngày 26/3/2020, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã đến dâng hương, viếng mộ đồng chí Thái Thị Bôi và cán bộ lão thành cách mạng.
Thái Thị Bôi sinh năm 1911 ở làng Nghi An, nay thuộc xã Hòa Phát, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Lúc nhỏ, học ở Đà Nẵng, sau ra học trung học tại Trường Đồng Khánh (Huế). Chịu ảnh hưởng tư tưởng yêu nước của người chú ruột là Thái Phiên, khi học ở Huế cùng một số bạn bè, đồng hương lui tới, gặp gỡ chí sĩ Phan Bội Châu, nên được giác ngộ sớm, bà tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Huế. Năm 1926, bị mật thám bắt giam, sau đó bị đuổi học vì đã tham gia bãi khóa, tổ chức lễ truy điệu Phan Châu Trinh. Về quê, bà bắt liên lạc với nhóm Đỗ Quang, Đỗ Quỳ, Lê Quang Sung, Lê Văn Hiến, Phan Long… tham gia thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Nam (7/1927). Năm 1928, bà đứng ra tổ chức và điều hành “Đà thành Nữ công học hội”, tập hợp những thanh nữ tân tiến, mở mang việc dạy nghề, dạy văn hóa, tuyên truyền giác ngộ ý thức bình đẳng của phụ nữ trong gia đình. Năm 1930, bà gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1931, bị địch bắt cùng một lần với Lê Văn Hiến, nhưng vì không đủ chứng cớ nên được thả ra. Tại Đà Nẵng, bà cùng với Nguyễn Sơn Trà lập nhà sách Việt Quảng bán sách tiến bộ, sản xuất cả rượu dâu, làm nơi đi lại, liên lạc hoạt động hợp pháp của nhiều chiến sĩ cộng sản. Thái Thị Bôi thuộc thế hệ phụ nữ Quảng Nam - Đà Nẵng sớm giác ngộ cách mạng, tân tiến ở đầu thế kỷ XX. Do bị bạo bệnh, bà đột ngột qua đời ngày 23/9/1938 tại Đà Nẵng.
*Cũng trong sáng ngày 26/3/2020, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã đến viếng, thắp hương tưởng niệm nhà chí sĩ yêu nước Thái Phiên. Thái Phiên sinh tại làng Nghi An (nay thuộc phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ. Đứng trước cảnh nước mất nhà tan, phải chứng kiến cảnh thực dân Pháp ra sức đàn áp nhân dân, bắt bớ giam cầm hàng loạt các sĩ phu từng tham gia phong trào chống thuế 1908, Thái Phiên nhanh chóng tham gia tổ chức “Việt Nam quang phục hội” do Phan Bội Châu khởi xướng. Tháng Giêng năm 1916, Thái Phiên triệu tập một cuộc họp tại nhà ông Lâm Nhĩ ở làng Cẩm Toại (nay thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) để triển khai kế hoạch khởi nghĩa. Công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa đang được các tỉnh chuẩn bị rất khẩn trương thì cơ mưu bị lộ. Vua Duy Tân, Thái Phiên, Trần Cao Vân và những người đồng chí của các ông đều bị bắt giữ. Ngày 17/5/1916, Thái Phiên và các đồng chí của ông bị thực dân Pháp áp giải đến pháp trường An Hòa (Huế) và đều bị chém chết. Thi hài của họ đều bị vùi chung một hố. Sau dâng hương, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đã thăm hỏi gia đình con cháu nhà chí sĩ Thái Phiên, ghi nhận những đóng góp to lớn của thế hệ cha ông đã dày công đấu tranh vun đắp cho nền độc lập tự do của Tổ quốc.
*Sáng cùng ngày, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã đến thăm cán bộ lão thành cách mạng Trần Thận.
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho biết hiện nay, thành phố đang tập trung cho việc phát triển kinh tế-xã hội, tập trung là lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin và lĩnh vực dịch vụ, du lịch. Tuy còn nhiều khó khăn thách thức, song bước đầu đã cho thấy nhiều tín hiệu khả quan. Thành phố cũng đang triển khai các bước cho việc tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XXII và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Thay mặt Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN thành phố, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa ân cần thăm hỏi sức khỏe và chúc ông Trần Thận sống lâu để chứng kiến sự đổi thay của thành phố.
Tặng!
Chưa thấy doanh nghiệp của mình xuất hiện trên DRT xin vui lòng liên hệ: 0868.732.123 để được cập nhật